Tóm tắt
Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu tìm hiểu khả năng nuôi sinh khối copepoda Microsetella norvegica làm thức ăn cho ấu trùng cá biển. Nghiên cứu được tiến hành bằng việc khảo sát sự phân bố, phân lập và nhân giống M. norvegica từ mẫu thu được ở các thủy vực tự nhiên và ao nuôi thuỷ sản tại Sóc Trăng. Kết quả khảo sát cho thấy M. norvegica phân bố ngoài tự nhiên ở độ mặn từ 16 %o đến 49 %o với mật độ 2.000-23.500 cá thể/m3 và từ 21 %ođến 35 %o với mật độ 4.900-92.000 cá thể/m3 trong các ao nuôi thủy sản. Sau 27 ngày nhân giống số lượng M. norvegica đạt được đủ để bố trí các thí nghiệm về ảnh hưởng của các loài tảo và mật độ tảo sử dụng làm thức ăn cho copepoda, cũng như ảnh hưởng của độ mặn lên khả năng tăng trưởng và phát triển của copepoda. Các thí nghiệm được bố trí trong phòng với nhiệt độ được khống chế ở 29-30oC và cường độ ánh sáng 1.500 lux trong các cốc thủy tinh 1L. Ở thí nghiệm 1, 4 nghiệm thức tương ứng với 4 loại tảo bao gồm Isochrysis galbana, Chaetoceros calcitrans, Dunaliella tertiolecta và hỗn hợp 3 loài tảo trên với tỉ lệ 1:1:1 được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 6 lần lặp lại và copepoda được cho ăn thoả mãn hàng ngày. Qua 29 ngày nuôi, M. norvegica được cho ăn hỗn hợp tảo có quần thể phát triển tốt nhất với 2 chu kỳ phát triển rõ rệt ở ngày thứ 12 (43.367 ± 9.360 cá thể/L) và ngày thứ 20 (60.667 ±12.822 cá thể/L) và khác biệt có ý nghĩa (P<0,05) so với các nghiệm thức khác. Trong thí nghiệm 2, với các mật độ tảo cho ăn khác nhau bao gồm 200.000 tb/mL, 500.000 tb/mL, 800.000 tb/mL và 1.100.000 tb/mL tảo hỗn hợp, với 6 lần lặp lại, quần thể M. norvegica phát triển tốt nhất ở nghiệm thức 1.100.000 tb/mL cũng với 2 chu kỳ phát triển rõ rệt. Mật độ quần thể cao nhất đạt được ở ngày thứ 12 với 52.167 ± 18.321 cá thể/L và ngày thứ 22 với 61.367±7.898 cá thể/L, và khác biệt có ý nghĩa (P<0,05) so với các nghiệm thức khác. Ở thí nghiệm 3, quần thể M. norvegica được nuôi trong các độ mặn 20, 25, 30, 35 và 40%o và kết quả cho thấy, quần thể copepoda phát triển tốt ở độ mặn từ 20%o đến 30 %o và khác biệt có ý nghĩa (P<0,05) với quần thể ở các độ mặn 35 %o và 40%o. Quần thể của M. norvegica phát triển tốt nhất ở 20%o với chu kỳ phát triển ngắn hơn và mật độ cao hơn sau 12 ngày (62.933 ± 6.353 cá thể/L) và 20 ngày (57.967 ± 20.860 cá thể/L).
Nguồn: Luận văn cao học
Tác giả: Nguyễn Thị Kim Liên, Lớp Cao học Nuôi trồng Thủy sản K9, Đại học Cần Thơ