Tóm tắt

Sự phát triển nghề nuôi tôm công nghiệp trong nhiều năm qua đã tạo áp lực lên môi trường nước và sự tự ô nhiễm, nó đã góp phần phá hủy hệ sinh thái ven biển, nghề nuôi tôm đang đương đầu với những vấn đề dịch bệnh do nước thải từ các ao nuôi thâm canh đổ ra với hàm lượng dinh dưỡng cao. Trong đó hai yếu tố quan trọng là Nitrogen và Phosphorus, chúng được đưa vào ao chủ yếu từ thức ăn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nhiều thông tin về sự biến động các yếu tố môi trường nước, đất và khả năng tích lũy dinh dưỡng trong ao nuôi để đánh giá điều kiện môi trường nhằm khắc phục các yếu tố bất lợi cho tôm nuôi để khai thác bền vững nguồn tài nguyên của địa phương. Vì vậy nghiên cứu sự biến động các yếu tố về môi trường ao nuôi để đưa ra những giải pháp quản lý môi trường hiệu quả các vật chất dinh dưỡng và theo dõi khả năng gây ô nhiễm ra môi trường bên ngoài.

Các yếu tố theo dõi là đạm, lân và chất hữu cơ được thu từ 2 ao nuôi công nghiệp (diện tích là 0,4 ha/ao; sâu 1,2m; mật độ tôm 20 con/m2) ở Vĩnh Châu vào 2 mùa (mùa mưa và mùa nắng). Chất tích lũy trong ao nuôi được xác định bằng cách lấy đầu vào (tôm giống, nước cấp, thức ăn) trừ đầu ra (tôm thương phẩm và lượng nước thải trong quá trình thay nước).

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp cho tôm nuôi, ngoại trừ pH tăng cao trong tháng nuôi thứ hai, độ muối giảm thấp ở mùa mưa, độ kiềm và lân hòa tan cao ở mùa nắng.

Hàm lượng đạm đầu vào ở mùa mưa và mùa nắng lần lượt: Thức ăn chiếm 98,9%N và 93,7% N; Lượng đạm mà tôm tích lũy được trong cơ thể chỉ chiếm 15,4% N và 23,3% N; Lượng đạm được tôm chuyển hóa từ thức ăn vào cơ thể chiếm 15,6%N, 24,8%N; Lượng đạm tích lũy trong ao nuôi 84,6% N và 76,7% N.

Hàm lượng lân đầu vào ở mùa mưa và mùa nắng lần lượt: Thức ăn chiếm 95,3% P và 59,5% P; Lượng lân mà tôm tích lũy được trong cơ thể chỉ chiếm 35,8% P và 35,5% P; Lượng lân được tôm chuyển hóa từ thức ăn vào cơ thể chiếm 37,6% P và 59,7% P; lượng lân tích lũy trong ao nuôi 62,4% P và 40,3% P.

Lượng vật chất hữu cơ đầu vào ở mùa mưa và mùa nắng lần lượt: Thức ăn chiếm 94,5% và 79,5%; Hàm lượng vật chất hữu cơ mà tôm tích lũy trong cơ thể chiếm 9,8% và 12,8%; Lượng vật chất hữu cơ từ thức ăn được tôm hấp thụ và chuyển hóa vào cơ thể chiếm 10,1% và 16,1%; Lượng tích lũy trong ao nuôi chiếm 89,9% và 83,9%.

Nguồn: Luận văn cao học

Tác giả: Tạ Văn Phương, Lớp Cao học Nuôi trồng Thủy Sản khoá 10, Trường Đại Học Cần Thơ.