KỸ THUẬT NUÔI NGAO, NGHÊU
Ở nước ta họ Ngao (Veneridae) có tới 40 loài, loài thường gặp là Ngao mật, Ngao dầu và Nghêu Bến Tre... chúng phân bố rộng ở Cô Tô, Yên Hưng, Yên Lập (Quảng Ninh), Thái Thụy (Thái Bình), cồn Lu, cồn Ngạn (Nam Hà), Kim Sơn (Ninh Bình), Lạch Trường, Biện Sơn (Thanh Hóa), Cửa Sót, Thạch Hà (Nghệ An), Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Tiền Giang, Bến Tre...
I. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC.
1. Ngao dầu (Meretrix meretrix).
Ngao phân bố ở các bãi cát bùn (60-80% cát), nếu nền đáy có nhiều bùn Ngao dể bị vùi lấp nhưng nếu cát quá nhiều Ngao không sống được vì khô, nóng. Ngao là loài sống vùi, chân phát triển hình lưỡi rìu để đào cát vùi mình. Khi hô hấp và bắt mồi Ngao thò vòi nước (siphon) lên mặt bãi hình thành một lỗ hình bầu dục trên mặt cát. Vòi của Ngao ngắn nên Ngao không thể chui sâu như các loài khác.
Thức ăn chính của Ngao là các vật chất hữu cơ lơ lửng, tảo (tảo Silic) và các vi sinh vật trong đất.
Thường thì sau một năm Ngao có thể thành thục và tham gia sinh sản. Mùa vụ sinh sản của Ngao hầu như diễn ra quanh năm nhưng tập trung vào các tháng đầu mùa mưa. Mùa Đông tuyến sinh dục Ngao phát triển chậm đến mùa xuân khi nhiệt độ tăng dần, tuyến sinh dục phát triển và khi mưa xuống sẽ kích thích Ngao sinh sản.
2. Nghêu (Meretrix lyrata).
Nghêu phân bố ở vùng biển ấm, trên thế giới Nghêu có mặt ở Đài Loan và Việt Nam. Ở Việt nam Nghêu phân bố ở Gò Công Đông (Tiền Giang), Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú (Bến Tre), Cầu Ngang, Duyên Hải (Trà Vinh), Bạc Liêu, Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), Ngọc Hiển (Cà Mau), chưa thấy có Nghêu ơø Bắc Bộ và Trung Bộ.
Nghêu là loài động vật ăn lọc,thức ăn của Nghêu gồm mùn bã hữu cơ (75-90%) và thực vật phù du. Thành phần tảo chủ yếu là tảo Silic.
Nghêu là loài phân tính nhưng trong quần thể vào mùa sinh sản cũng tìm thấy khoảng 20% số cá thể lưỡng tính. Nhìn hình dạng bên ngoài khó phân biệt đực cái nhưng khi thành thục chúng ta có thể phân biệt đực cái khi quan sát tuyến sinh dục. Mùa sinh sản của Nghêu hầu như quanh năm nhưng tập trung từ tháng 3-8. Sức sinh sản của Nghêu biến động trong khoảng 3.168.000-8.650.000, trung bình là 5.362.000 trứng/cá thể. Nghêu cỡ 3,5 cm có thể thành thục tham gia sinh sản lần đầu.
Sau sinh sản khoảng 4-5 tháng Nghêu có thể đạt cỡ Nghêu giống (2000con/kg). Từ cỡ giống thì sau khoảng 12 tháng nuôi Nghêu có thể đạt cỡ Nghêu thịt 40-70con/kg. Nghêu sinh trưởng khối lượng nhanh hơn sinh trưởng chiều dài. Nghêu sinh trưởng nhanh từ tháng 5-9 và chậm từ tháng 10-4.
II. KỸ THUẬT NUÔI NGAO, NGHÊU.
1. Chọn điểm.
Bãi nuôi thường được chọn ở những bãi triều gần cửa sông, bằng phẳng, độ dốc thấp và ít sóng gió. Khi chọn điểm cần chú ý đến một số nhân tố sau:
-
Độ cao mặt bãi: bãi nuôi chọn ở tuyến trung và hạ triều. Nếu nuôi ở những bãi có cao trình tương đối cao (thời gian phơi bãi hơn 6 giờ/ngày) Nghêu sẽ sinh trưởng chậm, tỉ lệ chết sẽ cao, nhưng nếu nuôi ở bãi triều quá thấp thì Ngao, Nghêu dể bị địch hại tấn công và khó quản lý.
-
Chất đáy: chất đáy tốt nhất cho Ngao, Nghêu là cát bùn, cát chiếm 70-90%.
-
Nồng độ muối: nồng độ muối thích hợp cho nuôi Ngao, Nghêu là từ 15-30%o. Cần tránh những nơi có dòng nước ngọt đổ ra trực tiếp.
-
Chất thải: cần tránh những nơi bỉ ảnh hưởng của chất thải, chất độc do sinh hoạt, nông nghiệp hay công nghiệp (thuốc trừ sâu, hóa chất, dầu khí...)
Ngoài ra cần chú ý đến yếu tố dinh dưỡng và các yếu tố môi trường khác (vật chất hữu cơ, muối dinh dưỡng, yếu tố thủy lý hóa...)
Sau khi chọn bãi phải làm vệ sinh mặt bãi. Rào chắn xung quanh bằng đăng hay lưới để giữ Ngao, Nghêu di chuyển ra khỏi bãi nuôi nhất là bãi ương giống. Khi chuẩn bị bãi xong thì tiến hành thả giống.
2. Thả giống.
§ Nguồn giống: giống dùng để nuôi hiện nay là giống tự nhiên, chúng được cung cấp chủ yếu từ các bãi tự nhiên. Hàng năm giống thường xuất hiện vào tháng 7-8 (giống nhỏ) đến tháng 1-2 thì giống đạt cỡ dùng cho nuôi thịt.
§ Lấy giống: lấy giống thường được thực hiện lúc triều xuống, dùng cào lưới với mắt lưới thích hợp để lấy giống. Cào lớp cát mặt cát sẽ lọt qua lưới và giống được giữ lại bên trong lưới. Dùng cào lưới chúng ta có thể thu được cỡ giống tương đối đều (xem hình 37.
§ Vận chuyển giống: sau khi lấy giống tiến hành vận chuyển giống đến bãi nuôi bằng các phương tiện xe, tàu. Dùng rong biển phủ lên giống và trong quá trình vận chuyển phải thường xuyên tuới nước biển để giữ ẩm. Nếu vận chuyển trong lúc trời mưa phải đậy kỹ tránh nước mưa thấm vào làm chết con giống.
§ Thả giống: tùy theo mục đích nuôi mà cỡ giống và lượng giống thả khác nhau. Trong nghề ương giống thì thả giống nhỏ (15-25 ngàn con/kg). Nuôi thịt thì thả giống cỡ 2000-3000 con/kg. Mật độ thả biến động từ 5-10 tấn/ha. Thả giống lúc nước triều ngập bãi khoảng 10-15cm để giống có thể vùi mình ngay mà không bị nắng.
Hình 1: Lấy giống bằng cào tay
3. Chăm sóc, quản lý.
Việc chăm sóc quản lý trong quá trình nuôi chủ yếu là cào vén san thưa nơi giống tập trung dày giúp chúng sinh trưởng nhanh, thường xuyên kiểm tra hệ thống lưới chắn để sửa chữa kịp thời.
Cào vén, san thưa: đây là kỹ thuật quan trọng, trong quá trình nuôi Nghêu có khuynh hướng di chuyển ra ngoài và chúng thường tập trung ở khu vực dọc theo lưới chắn, nhất là phía dưới của hướng dòng chảy, cho nên thường xuyên theo dõi khi mật độ Nghêu tập trung phải cào Nghêu và rải đều trở lại. Việc cào vén, san thưa được thực hiện lúc thủy triều xuống và công việc phải hoàn thành trước khi phơi bãi. Việc cào vén san thưa phải hạn chế, chỉ thực hiện khi cần thiết, không thực hiện lúc bãi khô và nhiệt độ cao. Đây là kỹ thuật tuy rất đơn giản nhưng nếu không thực hiện đúng Nghêu giống sẽ sinh trưởng chậm và tỉ lệ hao hụt sẽ cao. Ngoài ra cần theo dõi địch hại để phòng trừ kịp thời.
4. Thu hoạch.
Khi Ngao, Nghêu đạt cỡ 30-70 con/kg thì có thể thu hoạch. Thời gian thu hoạch diễn ra quanh năn tùy vào thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên nếu thu hoạch vào mùa thành thục sinh dục chất lượng sản phẩm sẽ cao. Có thể thu hoạch bằng tay hay cơ giới. Sau thu hoạch thì chuyển ngay đến nhà máy hoặc các sơ sở để tiến hành chế biến sản phẩm.