KỸ THUẬT NUÔI SÒ HUYẾT

 

I. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC.

      1. Phân bố.

Sò huyết (Anadara) phân bố ở các bãi bùn mềm, ít sóng gió và nước lưu thông. Các bãi sò thường gần các cửa sông có dòng nước ngọt đổ vào, nồng độ muối tương đối thấp. Sò nhỏ sống trên mặt bùn, sò lớn vùi sâu trong bùn khoảng 1-3cm. Chúng dùng mép vỏ và màng áo ngoài thải nước làm thành lỡ ở mặt bùn để hô hấp và bắt mồi.

Sò không vùi sâu nên yêu cầu về chất đáy chỉ cần khoảng 15cm bùn mềm nhưng tốt nhất là nền đáy là bùn pha một ít cát mịn. Sò có thể sống ở vùng triều (littoral) và vùng dưới triều (sublittoral) đến độ sâu vài mét. Nơi thích hợp nhất cho sò là tuyến triều thấp.

Sò có khả năng thích nghi với phạm vị biến đổi nồng độ muối rộng từ 10-35%o (tỉ trọng 1.007-1.017), khoảng thích hợp là từ 15-30%o. Khi nồng độ muối giảm thấp dưới 10%o, nhất là trong mùa mưa lũ, sò sẽ vùi sâu xuống bùn. Nếu trong một thời gian ngắn nồng độ muối trở lại thích hợp thì sò chui lên và tiếp tục sống bình thường, nếu tình trạng nồng độ muối thấp kéo dài có thể làm sò chết. Phạm vi thích ứng nhiệt độ của sò cũng rất rộng từ 20-30oC.

   2. Thức ăn.

            Thức ăn của sò bao gồm mùn bã hữu cơ, tảo và vi sinh vật trong bùn. Sò bắt mồi thụ động bằng cách tạo dòng nước qua mang để lấy thức ăn. Phương thức bắt mồi của sò cũng giống các loài Bivalvia khác (Hầu).

   3. Sinh sản.

3.1. Phát triển phôi.

Sau 1-2 năm tuổi sò có thể thành thục sinh dục và tham gia sinh sản lần đầu tiên. Khi thành thục sò đẻ trứng và tinh trùng vào nước, trứng thụ tinh sẽ phát triển qua các giai đoạn ấu trùng bánh xe và diện bàn. Các giai đoạn phát triển được mô tả qua hình 36.



Hình 1: Quá trình phát triển của phôi sò

1: tinh trùng; 2: Trứng chín; 3: Trứng đã thụ tinh; 4: Thể cực I; 5: Xuất hiện cực diệp; 6: Hai tế bào; 7: Bốn tế bào; 8: Phôi nang; 9: Ấu trùng bánh xe; 10: Ấu trùng chử D; 11: Ấu trùng đỉnh vỏ; 12: Ấu trùng bám; 13: Ấu thể.

3.2. Sinh sản nhân tạo.

§     Nuôi vỗ: bắt sò ngoài tự nhiên đem về nuôi ở tuyến triều thấp, nơi có điều kiện thức ăn phong phú, nước lưu thông. Nên nuôi với mật độ thưa để sò nhanh thành thục. Sau khi sò đã thành thục sinh dục chúng ta mang về phòng thí nghiệm để tiến hành sinh sản nhân tạo.

§     Kích thích sinh sản: ở ngoài tự nhiên cần có điều kiện sinh thái nhất định sò mới đẻ trứng và phóng tinh, những điều kiện đó là tối cần thiết. Nhưng trong sinh sản nhân tạo những điều kiện sinh thái đó cũng được sử dụng hoặc thay thế bằng những kích thích nhân tạo. Hiện nay sinh sản nhân tạo áp dụng phương pháp kích thích sinh sản bằng hóa kết hợp với kích thích sinh thái. Hiện nay có một số phương pháp kích thích sinh sản như sau:

-       Kích thích bằng (NH4OH): tiêm 0,2-0,5 ml nước biển có chứa 2%o ammoniac vào xoang màng áo của sò sau đó cho vào nước biển đã lọc sạch, 20 phút sau sò sẽ đẻ.

-       Kích thích bằng nước ammoniac kết hợp hạ thấp nhiệt độ: sau khi tiêm nước ammoniac cho sò vào nước có nhiệt độ 11-13oC trong 90 phút, sau đó vớt sò ra và cho vào nước biển ở nhiệt độ bình thường 28oC, sò sẽ đẻ sau 10 phút.

-      Ngâm trong nước ammoniac kết hợp với hạ nhiệt độ: ngâm sò vào dung dịch ammoniac 1%o sau 3 giờ vớt sò ra để khô khoảng 90 phút, sau đó thả sò vào nước biển có nhiệt độ 11-13oC trong 90 phút, cuối cùng cho vào nước biển có nhiệt độ bình thường, sò sẽ đẻ sau 20 phút.

-      Hạ nhiệt độ kết hợp nước chảy: Đem sò bố mẹ vào tủ lạnh ở 10oC trong 2 giờ sau đó chuyển sò sang nước biển ở nhiệt độ bình thường. Kích thích nhiệt ở 7-12oC kết hợp với nước chảy cũng cho kết quả tốt.

Trong các phương pháp trên, phương pháp kết hợp hạ nhiệt độ với nước chảy cho kết quả tốt nhất, sò không bị độc, tỉ lệ sinh sản cao và thao tác lại đơn giản thích hợp cho sản xuất đại trà.

§     Thụ tinh nhân tạo: nếu kích thích đực và cái riêng biệt thì sau khi sò sinh sản chúng ta phải tiến hành thụ tinh nhân tạo. Trứng sò sau khi đẻ được lọc qua lưới phiêu sinh rồi cho vào thau, chậu, sau đó cho tinh dịch vào (tinh dịch có thể lấy bằng các kích thích sinh sản hay giải phẫu). Khuấy đều độ nữa giờ sau đó rửa vài lần, ấu trùng phù du sẽ xuất hiện sau vài giờ. Nên duy trì nhiệt độ lúc thụ tinh là 28oC.

§     Ương nuôi ấu trùng: ương ấu trùng trong hệ thống nước chảy và cho ăn bằng tảo hay nấm men với mật độ 2500-3500 tb/ml. Khi ấu trùng đạt giai đoạn bám cần cung cấp vật bám cho sò. Vật bám tốt nhất là cát, sỏi hay vụn của vỏ động vật thân mềm. Cũng có thể ương ấu trùng trong ao đất có diện tích khoảng 1000m2 có cống khống chế nước ra vào. Mức nước ương tứ 0,5-0,8m, sâu nhất là 1m. Trước khi ương nên tẩy dọn ao, bừa đáy, gây nuôi thức ăn. Mật độ ương khoảng 1250 ấu trùng/lít.

II. KỸ THUẬT NUÔI.

   1. Điều kiện bãi nuôi.

Bãi nuôi thường chọn ở những nơi ít sóng gió và gần cửa sông. Chất đát tốt nhất là bùn mềm pha lẫn cát mịn, mặt bùn bằng phẳng, có màu vàng nâu, độ dày lớp bùn khoảng 3-6cm. Yêu cầu dày hay mỏng tùy vào kích cỡ của sò giống.

Bãi nuôi tốt nhất là tuyến triều thấp với thời gian phơi bãi ngắn. Muốn sò sinh trưởng tốt nước phải chứa nhiều thức ăn (mùn bã hữu cơ, thực vật phù du và vi sinh vật). Bãi nuôi nên chọn gần cửa sông để nước sông bổ sung dinh dưỡng cho bãi, nhưng cần chú ý đến sự biến thiên nồng độ muối để tránh ảnh hưởng đến sò.

   2. Xây dựng bãi nuôi.

Bãi sò là bãi bằng phẳng, không bị ứ nước, nếu bãi quá rộng phải chia bãi ra thành từng ô để tiện chăm sóc. Xung quanh nên chắn đăng hay lưới để ngăn chặn địch hại và không cho sò đi ra khỏi bãi. Làm vệ sinh mặt bãi, nhặt sạch tạp vật, nếu nền đáy cứng thì có thể xới cho xốp.

Nếu nuôi sò trong các đầm thì phải xây dựng một số hạng mục công trình như sau:

  • Bờ bao: tùy theo cao trình của mặt đất tự nhiên và biên độ thủy triều mà chúng ta xây dựng bờ bao có độ cao thích hợp. Kích thước của bờ cũng tùy thuộc vào diện tích của đầm.

  • Mương: gồm mương bao và mương chính để dẫn nước từ bên ngoài vào và dẫn nước thoát khi trao đổi nước. Cũng như bờ bao tùy điều kiện cụ thể mà qui mô xây dựng khác nhau.

  • Bãi: là nơi trú của sò, vì thế cần làm bằng phẳng, cao trình mặt bãi phải đảm bảo thấp để có thể điều tiết nước dể dàng theo thủy triều trong quá trình nuôi.

  • Cống: dùng để điều chỉnh lượng nước trong đầm, có thể xây dựng cống thô sơ hay kiên cố. Tùy theo diện tích đầm mà xây dựng cống có khẩu độ và số lượng thích hợp đảm bảo trao đổi nước đầy đủ.

  • Bờ cản: nhằm hạn chế dòng chảy trực tiếp (mạnh) vào bãi trú của sò.

   3. Lấy giống.

Nguồn giống sò cung cấp cho nghề nuôi sò hiện nay chủ yếu là giống tự nhiên cho nên trước khi tiến hành lấy giống cần phải điều tra, dự báo diện tích bãi giống, trữ lượng giống để có thể chủ động trong sản xuất. Xác định diện tích qua điều tra vùng phân bố của sò giống và xác định trữ lượng giống bằng các lấy mẫu sinh lượng, dựa trên diện tích bãi giống và sinh lượng để tính ra trữ lượng giống. Thời điểm lấy giống nên tiến hành khi phát hiện giống khoảng 10-15 ngày (giống cỡ 25-30 ngàn con/kg). Có hai cách lấy giống:

§     Lấy giống lúc bãi cạn: khi triều xuống lộ mặt bãi, dùng cào cào lớp bùn trên mặt sau đó dùng sàng, rổ để đãi bùn loại bỏ rác, tạp vật để lấy sò giống. Mỗi lần lấy giống xong phải san lại mặt bãi cho bằng phẳng để thu giống sò đợt sau.

§     Lấy giống lúc bãi ngập nước: cách lấy giống này qui mô hơn, thường tiến hành vào những ngày yên sóng hoặc lúc triều bắt đầu xuống nhưng nước còn ngập bãi. Dụng cụ gồm thuyền máy có lưới cào hoặc dùng cào tay, cào lớp bùn trên mặt để thu giống.

Sau khi lấy giống có thể vận chuyển giống bằng phương pháp giữ ẩm. Thời gian vận chuyển có thể là 2-3 ngày tùy theo đều kiện thời tiết. Ở nhiệt độ thấp thời gian cho phép để vận chuyển lâu hơn và tỉ lệ sống cao hơn. Trong quá trình vận chuyển nên thường xuyên tưới nước biển giữ ẩm cho sò đồng thời đề phòng trời mưa vì nước ngọt có thể làn chết sò.

   4. Thả giống.

Sò giống tốt thường có màu trắng hồng, sạch sẽ, không lẫn tạp vật. Tránh thả giống có mùi hôi hoặc lẫn các sinh vật địch hại như cua ốc. Nên thả giống khi nước còn ngập bãi 10-15 cm để sò không bị phơi nắng vá có thời gian chui xuống bùn. Có thể dùng thuyền đi trên bãi rải giống đều khắp mặt bãi. Lượng giống thả khoảng 7-22 ngàn con/m2 (với cỡ giống 20-60 ngàn con/kg). Tránh thả giống nước chảy mạnh sò dể bị cuốn trôi theo dòng nước.

   5. Chăm sóc, quản lý.

Trong quá trình nuôi cần chú ý sự thay đổi của các yếu tố môi trường, nhất là nồng độ muối. Vào mùa mưa các vùng gần cửa sông nồng độ muối thường giảm đột ngột ảnh hưởng đến sinh trưởng và tỉ lệ sống của sò.

Màu sắc của bãi nuôi và sự sinh trưởng của sò có liên quan theo một qui luật. Mặt bãi màu đen hoặc hơi nâu sẽ có nhiểu sinh vật làm thức ăn cho sò, chúng sẽ sinh trưởng nhanh. Mặt bãi màu xanh hoặc vàng chúng tỏ các loại tảo đáy mọc dày, không có lợi cho sò. Mặt bãi màu trắng chứng tỏ có sóng lớn cuối trôi bùn ra khỏi bãi. Hàng ngày nên thường xuyên kiểm tra bãi sò, các hệ thống lưới, đăng chắn, bờ bao, cống... để kịp thời sửa chữa. Kiểm tra điều kiện môi trường, tình trạng bãi nuôi nhằm hạn chế những bất lợi cho hoạt động sống của sò. Trong quá trình nuôi nên định kỳ cào sò xung quanh lưới chắn để san thưa vì sò thường tập trung xung quanh lưới chắn. Việc cào sò để san thưa cũng giúp tiêu diệt địch hại.

   6. Thu hoạch.

Nuôi sau 1 năm thì có thể thu hoạch, cỡ thu hoạch phổ biến là 40-60 con/kg. Dùng cào tay hoặc cào máy để thu hoạch và vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Thu hoạch có thể tiến hành quanh năm tùy theo thị trường, nhưng tốt nhất nên thu hoạch vào thời điểm sò thành thục sinh dục sẽ cho sản phẫm chất lượng cao.