Tóm tắt
Nghiên cứu này được thực hiện từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2004 tại huyện Mỹ Xuyên tỉnh Sóc Trăng nhằm khảo sự biến động thành phần loài và số lượng tảo và mối liên quan giữa sự phát triển của tảo với các yếu tố dinh dưỡng trong các mô hình nuôi tôm sú thâm canh.
Trong ao nuôi tôm thâm canh, sự tích lũy vật chất hữu cơ từ thức ăn thừa làm cho COD, TAN, NO2-, NO3-, H2S, TKN, TP... tăng dần về cuối vụ nuôi.
Đã phát hiện 97 loài tảo, trong đó có 41 loài thuộc ngành tảo Khuê, 12 loài thuộc ngành tảo Lục, 15 loài thuộc ngành tảo Lam, 9 loài thuộc ngành tảo Giáp và 20 loài thuộc ngành tảo Mắt. Các giống loài có nguồn gốc nước ngọt và có khuynh hướng gia tăng về cuối vụ nuôi. Các loài tảo chiếm ưu thế là những loài tảo đặc trưng cho vùng có tích lũy vật chất dinh dưỡng cao như: Phormidium, Microcystis, Oscillatoria, (tảo Lam); Ankistrodesmus, Scenedesmus, Coenosystis (tảo Lục); Navicula, Nitzschia (tảo Khuê). Tính đa dạng thành phần loài trong ao nuôi tôm thâm canh thấp, càng về cuối vụ nuôi tính đa dạng càng thấp. Mật độ tối đa của tảo Lam đạt khoảng 234 triệu cá thể/L, của tảo Lục là 460 triệu cá thể/L và của tảo Khuê là 12 triệu cá thể/L. Ao nuôi tôm kết hợp với cá rô phi thì thành phần loài tảo chủ yếu là tảo Khuê và tảo Lục, ngược lại, ao nuôi tôm đơn thì thành phần loài tảo Lam là chủ yếu. Chu kỳ phát triển của các nhóm tảo kế tiếp nhau trong ao nuôi tôm thâm canh lần lượt là tảo Khuê, tảo Lục và cuối cùng là tảo Lam.
Mô hình nuôi ghép tôm sú với cá rô phi bước đầu cho kết quả tốt hơn về chất lượng nước so với nuôi đơn, các yếu tố thủy lý hoá ổn định, tảo phát triển thích hợp.
Nguồn: Luận văn cao học
Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Thảo, Lớp Cao học Nuôi trồng Thủy sản K9, Đại học Cần Thơ