TÌNH HÌNH NUÔI CÁ CHÌNH Ở VIỆT NAM

Nguyễn Xuân Đồng, Hoàng Đức Đạt, Nguyễn Xuân Thư

Viện Sinh học Nhiệt đới

  1. MỞ ĐẦU

Các nghiên cứu ở nước ta về cá chình tính cho tới nay mới chỉ cung cấp những số liệu về thành phần loài, phân bố, chưa có công trình nào nghiên cứu sâu về cá chình. Những năm gần đây, do nhu cầu tiêu thụ của cá chình và do như cầu nuôi cá chình tự phát ở nhiều tỉnh, một số tác giả đã biên soạn một số tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá chình như: Ngô Trọng Lư, 1997; Ngô Trọng Lư, 2000; Nguyễn Thị An, Hồ Hồng Hương, Nguyễn Công Dân, 2001; Cao Đăng Nguyên, Trần Lệ Hằng, 2002; Nguyễn Văn Chớ, 2005; Các tài liệu này chủ yếu cũng dựa vào kỹ thuật nuôi cá chình được giới thiệu trong các tài liệu Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản.

Nghề nuôi cá chình ở nước ta có thể nói mới chỉ là những bước khởi đầu và đang ở giai đoạn “mò mẫm” và mang tích chất tự phát. Quy mô nuôi chủ yếu là hộ gia đình và hình thức nuôi bằng lồng vẫn đang chiếm ưu thế.

II.THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Vùng điều tra khảo sát chính là các tỉnh ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận. Mở rộng khảo sát ra các tỉnh phía Bắc và các tỉnh phía Nam: những khu vực, tỉnh có nuôi cá chình.

Thu thập tài liệu, thông tin liên quan đến nguồn lợi, tình hình khai thác, kinh doanh, tiêu thụ, nuôi,... thuỷ sản nói chung và các loài cá chình nói riêng tại các cơ quan địa phương như: các Sở Thuỷ Sản, Trung Tâm Khuyến Ngư, Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ...

Đến những cơ sở nuôi cá chình: Tình hình nuôi cá chình, nguồn cung cấp giống, kích thước cá, tăng trưởng, thời gian nuôi, nguồn thức ăn, loại thức ăn được ưa chuộng nhất, hệ số thức ăn, thời gian cho ăn, nguồn nước cung cấp, tỷ lệ sống trong thời gian nuôi, quy cách nuôi, mật độ nuôi, các chế độ khác, tập tính sống của cá quan sát được trong thời gian nuôi, hiệu quả kinh tế.

Phân tích định danh tên khoa học và phân tích một số chỉ tiêu hình thái và sinh học của cá chình được sử dụng nuôi.

Tại mỗi điểm khảo sát gặp phỏng vấn trực tiếp những hộ nuôi cá chình để thu thập những thông tin về tình hình nuôi, thời gian nuôi, quy mô nuôi, số hộ nuôi, nguồn thức ăn, v.v. Các thông tin được điền vào phiếu điều tra (xem phụ lục).

Thu thập các thông tin về nguồn giống, dịch bệnh, cách chăm sóc, quản lý và vệ sinh ao nuôi.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

  1. Loài cá chình nuôi

Qua kết quả khảo sát thực địa và phân tích xác định thành phần loài trong phòng thí nghiệm, chúng tôi xác định được 2 loài cá chình Việt Nam (cá chình hoa - Anguilla marmorata và loài cá chình mun - A. bicolor bicolor) và 2 loài cá chình được nhập nội vào nuôi ở Việt Nam (loài cá chình Châu Âu - A. anguilla và loài cá chình Nhật bản - A. japonica).

Trong 2 loài cá chình bản địa thì loài cá chình hoa chiếm vai trò chủ yếu (95-99% số lượng cá chình nuôi) còn cá chình mun không đáng kể trong số lượng cá giống sử dụng nuôi.

Hai loài cá chình được nhập nội vào nuôi ở Việt Nam (nuôi tại công ty Tân Đô Phát, Vĩnh Phúc) thì loài cá chình Châu Âu đóng vai trò chủ yếu.

Trong các loài cá chình được nuôi ở Việt Nam hiện nay, loài cá chình có kích thước lớn nhất và có giá trị nhất là loài cá chình hoa. Loài cá chình này phân bố phổ biển ở các tỉnh miền Trung nước ta và có số lượng rất lớn. Loài cá chình hoa là loài chiếm phần lớn sản lượng cá chình khai thác ở nước ta hiện nay.

  1. Các hình thức nuôi

Có 3 hình thức nuôi cá chình chủ yếu ở nuớc ta là: nuôi bằng lồng bè thả trên sông, hồ; nuôi trong bể xi măng sục khí thay nước và nuôi trong ao đất có thay nước.

2.1. Nuôi bằng lồng bè.

Đây là hình thức nuôi cá chình phổ biến nhất ở nước ta hiện nay dựa vào nguồn nước sẵn có trên các con sông, trong các hồ chứa tự nhiên, nhân tạo.

Nhờ những điều kiện thuận lợi của nuôi cá chình bằng lồng: tận dụng nguồn nước sẵn có, nguồn vốn đầu tư ban đầu thấp, các chi phí về quản lý, vệ sinh, v.v. thấp nên nuôi cá chình bằng lồng phát triển rất mạnh: chẳng hạn như năm 2002, trên sông Hà Yên có khoảng 232 lồng nuôi cá chình của 50 hộ nuôi với kích thước lồng lớn nhất 3 x 3 x 1,5 m; nhỏ nhất 1 x 2 x 1 m.

Cấu tạo của lồng, bè: kích thước khác nhau từ 3 - 10 m3, tùy khả năng tài chính và điều kiện của nơi thả lồng. Lồng được làm bằng gỗ, tre bọc lưới, hoặc lưới nilon hoặc hoặc bằng nhôm đục lỗ, lưới inox. Lồng, bè thường có dạng hình khối chữ nhật hoặc vuông (ít), độ sâu của lồng tùy thuộc vào độ sâu của vực nước neo thả, từ 1,5 - 3m.

Mật độ thả tương đối cao: 10 – 40 con/m3 tùy thuộc nguồn nước, kích thước cá giống.

Lồng bè được đặt ở sông (gần bờ), hồ chứa, có nước lưu thông, nguồn nước dồi dào, có dòng chảy, chất lượng nước tốt quanh năm, không bị ô nhiễm nuôi lồng bè thuận lợi.

Các sông có mực nước, dòng chảy thay đổi nhiều trong năm (về mùa khô mực nước thấp, chất lượng nước giảm sút) là không thuận lợi cho nuôi bè. Mùa hè năm 2002 tại Phú Yên hàng trăm lồng cá nhiễm bệnh, chết. Từ đó nghề nuôi cá chình trong lồng bè ở Phú Yên không phát triển được, đến nay (2006) chỉ còn lại ít hộ nuôi.

Nuôi cá chình bằng lồng, bè trên sông ở nước ta những năm qua cũng khá phát triển và đạt được những kết quả đáng kể và số lượng hộ sử dụng lồng, bè để nuôi cá chình một số vùng tăng lên chẳng hạn ở thôn Xuân Tân (Triệu Thượng, Triệu Phong, Quảng Trị) năm 2003 chỉ cá 1 hộ nuôi, năm 2004 có 4 hộ nuôi và năm 2005 có 18 hộ nuôi.

Nuôi cá chình bằng bè, lồng cũng được tiến hành ở một số hồ chứa thủy điện, thủy lợi như ở hồ Hòa Trung (Đà Nẵng), hồ Trị An (Đồng Nai), …

Nuôi cá chình bằng lồng, bè đặt trên các sông ở nước ta thường phổ biến hơn. Chúng tôi đã quan sát nuôi lồng bè ở: sông Thạch Hãn (Quảng Trị), sông Kỳ Lộ- Tuy An, sông Đà Rằng-Tuy Hòa, sông Dinh (Ninh Thuận), sông Hậu (An Giang).

Tuy nuôi bằng lồng, bè trên sông tận dụng được nguồn nước, chi phí đầu tư cho nuôi thấp hơn các hình thức nuôi khác, nhưng cũng có những khó khăn nhất định: trong mùa khô nguồn nước thường bị ô nhiễm làm cá chình phát bệnh và chết hàng loạt và dẫn đến thất bại. Ví dụ ở Tuy An-Phú Yên, năm 2002 có khoảng 50 hộ nuôi với 232 lồng trên các sông trong huyện. Thời gian đầu cá phát triển khá tốt nhưng 4 tháng sau (vào mùa khô) nguồn nước ô nhiễm, cá phát bệnh và chết. Thất bại này đã làm cho tình hình nuôi cá chình bằng lồng ở Phú Yên giảm sút.

2.2. Nuôi trong hồ xây xi măng, sục khí, thay nước.

Loại hình nuôi cá chình này chỉ có một số ít gia đình nuôi. Bể nuôi thường có kích thước tương đối nhỏ từ 15 – 50m2, thường xây hình chử nhật, hình vuông, sâu 1,2 – 1,5m, có đường cấp và thoát nước, có hệ thống sục khí, lọc nước, có mái che. Chúng tôi đã khảo sát một số hộ nuôi ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định, qui mô nhỏ với bể xây từ 12 m2 (hộ ông Lư tại Huế) đến 50 m2 (hộ ông Hai Giàu ở Bình Định). Các hộ nuôi đều thành công: thả giống mật độ vừa phải 3 – 7 con/m3, chăm sóc kỹ: vệ sinh bể, thay nước, sục khí, lọc nước, cho ăn sạch, đầy đủ (chủ yếu vẫn là cá tươi cắt rữa sạch).

2.3. Nuôi trong ao đất thay nước

Tùy theo điều kiện cụ thể xây dựng các ao nuôi với qui cách khác nhau.

- Ao đất: đào sâu, đắp bờ cao, có nguồn nước để thay nước định kỳ: rộng từ 100 - 1000m2, nuôi mật độ thưa, có hiệu quả. (Bình Thuận: gia đình ông Lương, Cà Mau: nhiều hộ ở Tân Thành, TP Cà Mâu.

- Ao đất, xây bờ bằng gạch, đá, lợi dụng nước của các khe, suối dẫn vào ao và tháo ra thường xuyên hay định kỳ; diện tích từ 300 – 1000m2: Quảng Ngãi (hộ ông Phát, hộ ông Bé, hộ ông Dũng), Khánh Hòa (hộ ông Thành), Quảng Bình (ông Lịnh). Loại ao này nuôi có hiệu quả do nguồn nước tương đối dồi dào, có chất lượng tốt, mật độ nuôi tương đối cao.

Ngoài cá hình thức nuôi cá chình trong nước ngọt như đã mô tả ở trên, một số hộ còn nuôi cá chình trong nước lợ (trong ao tôm) nhưng cá chình vẫn phát triển được. Nuôi cá chình trong môi trường nước lợ được tiến hành ở Sóc Trăng, Bạc Liêu.

Tình hình nuôi ở một số tỉnh ở nước ta

Tt

Địa phương

Hình thức

Số hộ

Năm

1

Quảng Bình

Ao xây đáy đất

2

2004

2

Quảng Trị

Nuôi lồng

18

2005

3

Thừa Thiên Huế

Nuôi bể

4

2005

4

Đà Nẵng

Nuôi bè

2

2005

5

Quảng Nam

Ao xây

1

2005

6

Quãng Ngãi

Nuôi ao xây

4

2004

7

Bình Định

Ao xây

4

2005

8

Phú Yên

Lồng + Ao xây

17

2005

9

Khánh Hòa

Ao + bể

9

2005

10

Ninh Thuận

Lồng

1

2005

11

Bình Thuận

Ao đất

1

2004

12

Cần Thơ

Ao đất

4

2005

13

An Giang

Lồng + Ao đất

4

2005

14

Bạc Liêu

Nuôi ao đất

20

2005

15

Sóc Trăng

Ao tôm

2

2005

16

Cà Mau

Ao đất

30

2004

17

Đồng Nai

Lồng

1

2005

 

Tổng

 

124

 

  1. Nguồn giống

Nguồn giống cung cấp cho các cơ sở nuôi ở Việt Nam hiện nay đều có nguồn gốc từ miền Trung. Nơi cung cấp giống thường là các chủ vựa thu mua. Các cơ sở thu mua vừa thu mua cá chình thương phẩm vừa thu mua cá chình thịt. Những cơ sở cung cấp giống lớn hiện nay hầu như tập trung nhiều ở Sài Gòn sau đó được phân phối đi các tỉnh: miền Tây, miền Đông Nam Bộ. Một số tỉnh miền Trung cũng phải vào tới Tp. Hồ Chí Minh để mua cá chình giống về nuôi.

Theo kết quả điều tra, nguồn cung cấp giống nhiều nhất hiện nay là tỉnh Bình Định và Phú Yên.

Nguồn giống cung cấp cho các cơ sở nuôi đều có nguồn gốc tự nhiên, đối tượng nuôi chủ yếu là nuôi loài cá chình bông (A. marmorata), cá chình mun (A. bicolor bicolor) rất ít.

Một số ít hộ tự đánh bắt cá giống để nuôi, còn lại phần lớn người dân đều mua lại của những người đánh bắt hoặc của các hộ thu mua cá chình.

Chất lượng cá giống không thật đảm bảo: cá được đánh bắt bằng chích điện, bị tổn thương ở những mức độ khác nhau; cá bị đánh bắt bằng câu, lưỡi câu nằm sâu trong ruột, người ta cắt chỉ (nhợ, cước) để lại lưỡi câu trong cá. Cá này đưa về nuôi một thời gian sau sẽ chết, hoặc không lớn, trừ một số cá tự nhả được lưỡi câu ra. Người nuôi phải chấp nhận sự hao hụt của cá trong thời gian nuôi, thường chết từ 15 – 30%.

Hiện nay trong các vựa thu mua, lượng cá chình con (dưới 0,5kg) tương đương hoặc nhiều hơn cá chình thịt (trên 0,5kg).

Nhu cầu có con giống là rất bức bách đối với người nuôi.

Nên có những hướng nghiên cứu sâu hơn nhằn giải quyết nguồn giống phục vụ cho việc phát triển nghề nuôi cá chình.

  1. Thức ăn

Hầu như tất cả các cơ sở nuôi đều sử dụng cá tươi sống, cá có chất lượng thấp, giá rẻ: cá tạp, cá rô phi nhỏ, lòng tong,… một số cơ sở nuôi qui mô lớn cho ăn cá biển loại nhỏ rẻ tiền. Cá thường được cắt thành miếng nhỏ cho cá chình ăn (không bỏ đầu, đuôi, nội quan), một số bỏ nội quan, đầu vây, cắt nhỏ, rữa sạch mới cho ăn. Một số nơi cho ăn thêm giun đất (lượng ít, không thường xuyên).

Lượng thức ăn hàng ngày chiếm khoảng 3 – 5% trọng lượng cá nuôi, tăng giảm tùy sức ăn từng ngày.

Một số cơ sở nuôi thử nghiệm cho thức ăn tự chế biến phối trộn nhưng chưa cho kết quả tốt (anh Mậu ở Long Xuyên, An Giang đã sữ dụng bột cá, bột mì và một số chất kết dính) cá chỉ dài ra nhưng không lớn.

Nghiên cứu sản xuất thức ăn công nghiệp cung cấp cho nuôi cá chình là một nhu cầu của nghề nuôi cá chình nước ta hiện nay.

  1. Chăm sóc và phòng bệnh

Hiện nay người nuôi cá chình tự tìm tòi để tìm cách nuôi cá chình đạt hiệu quả cao. Người nuôi chăm lo làm vệ sinh lồng, hồ, ao nuôi, nhưng chưa phòng trị bệnh có hiệu quả. Một số cơ sở thất bại vì cá nhiễm bệnh chết (Quảng Trị, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận). Đây là một vấn đề cần được ngành Thủy sản quan tâm nghiên cứu và triển khai các dịch vụ phục vụ cho nghề nuôi cá chình.

Nghề nuôi cá chình ở nước ta mới bắt đầu, tiềm năng rất lớn. Cần có chủ trương và biện pháp thích hợp để phát triển nghề nuôi cá chình vững chắc ở qui mô lớn là một đều kiện quan trọng để bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi cá chình.

Ngoài ra cũng có những cơ sở nuôi cá chình trong môi trường nước lợ đó là ông Ba Điệp (Vĩnh Châu-Sóc Trăng) nuôi trong ao nuôi tôm (mùa khô độ mặn có thể lên tới 22-29 ‰) nhưng cá chình vẫn phát triển khá tốt.

IV. NHẬN XÉT.

Như vậy nuôi cá chình không phải chỉ có ở trong miền Trung mà xuất hiện ở nhiều tỉnh khác ở miền Đông Nam Bộ và cả miền Tây (An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, …). Chẳng hạn như ở xã Tân Thành-Cá Mau, năm 2005 đã có trên 30 hộ nuôi cá chình (nhưng chỉ có 5 hộ đạt). Nguyên nhân thất bại là do nguồn giống không đảm bảo, do phèn, thiếu oxy, hoặc do nuôi với mật độ quá lớn.

Nguồn giống: sử dụng giống đánh bắt được trong tự nhiên cỡ từ 0,05-0,5 kg/con. nhiều người nuôi thường mua lại của các cơ sở thu mua cá chình.

Thức ăn: Chủ yếu sử dụng cá nhỏ (cá nước ngọt, cá biển), ốc, trai, ếch, nhái. Các loài này được cắt nhỏ để cho ăn.

Thời gian nuôi từ 8 tháng đến 14 tháng, phụ thuộc vào cỡ cá giống nhỏ hay lớn, thời gian xuất bán khi cá đạt 0,8 đến trên 1 kg.

Nghề nuôi cá chình ở nước ta còn ở thời kỳ nuôi thủ công, nguồn giống chủ yếu dựa vào nguồn cá nhỏ thu được trong đánh bắt cá thịt tự nhiên, số lượng không đủ cung cấp cho nhu cầu nuôi. Loài nuôi phổ biến nhất là loài cá chình hoa (A. marmorata) chiếm 80-90% sản lượng. Cá chình mun (A. bicolor bicolor) chiếm 10-20%.

 

Tài liệu tham khảo

Bộ thuỷ sản, 2006. Báo cá “Điều tra nguồn lợi cá chình (Anguilla) ở một số tỉnh miền Trung.

Nguyễn Hữu Dực, Mai Đình Yên, 1994. Góp phần nghiên cứu họ cá chình (Anguillidae). Tạp chí Khoa học Đại học Tổng hợp Hà Nội số 1/1994, trang 20-23.

Nguyễn Hữu Dực, Nguyễn Văn Hảo, Hoàng Đức Đạt, Nguyễn Thái Tự, Lê Hoàng Yến. Động Vật chí Việt Nam. Cá nước ngọt (sắp xuất bản).

Ngô Trọng Lư, 1997. Kỹ thuật nuôi cá chình. Nhà xuất bản Nông nghiệp. Hà Nội.

Lê Thông (chủ biên), 2003. Địa lí các tỉnh và thành phố Việt Nam, tập 3, các tỉnh vùng Tây Bắc và vùng Bắc Trung Bộ. Nhà xuất bản Giáo Dục, Hà Nội.

Lê Thông (chủ biên), 2003. Địa lí các tỉnh và thành phố Việt Nam, tập 4, các tỉnh và thành phố duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Nhà xuất bản Giáo Dục, Hà Nội.

Amoro C., Biosca E.G., 1996. Vibrio vulnificus biotyp 2, pathogenic for eels, is also an opportunistic pathogen for humans. Applied and Environmental Microbiology, 62(4):1454-1457.

Arai Takaomi, Miho Marui, Michael J. Miller and Katsumi TSUKAMOTO, 2002. Growth history and inshore migration of the tropical eel, Anguilla marmorata, in the Pacific. Marine Biology, 140, 309-316.

Arai Takaomi, Miho Marui, Tsuguo Otake and Katsumi Tsukamoto 2002. Inshore migration of a tropical eel, Anguilla marmorata, from Taiwanese and Japanese coasts. Fisheries Science, 68, 152-157, 2002.

Dou S., T. Seikai and K. Tsukamoto, 2000. Feeding behaviour of Japanese flounder larvae under laboratory conditions. Journal of Fish Biology, 56, 654-666, 2000.

Dou Shuozeng, Reiji Masuda, Masaru Tanaka and Katsumi Tsukamoto, 2003. Identificaton of factors affecting the growth and survival of Japanese flounder larvae during settling stage. Aquaculture, 218, 309-327, 2003.

Froese R., Pauly D. CD FishBase 2000. ICLARM, Philippines.

Gousset B. , 1990. "European eel (Anguilla anguilla L.) farming technologies in Europe and in Japan: Application of a comparative analysis."Aquaculture, v. 87, pp. 3-4. NAL Call No.: SH1.A6

Wu-Chung Lee, Yu-Hui Chen, Ying-Chou Lee, I. Chiu Liao, 2003. The Competitiveness of eel aquaculture in Taiwan, japan, and China. Aquaculture 221, 115-124.