Nguồn tin: A.S.Sahul Hameed (2005). White Tail Disease - disease card. Developed to support the NACA/FAO/OIE regional quarterly aquatic animal disease (QAAD) reporting system in the Asia-Pacific. NACA, Bangkok, Thailand. 7 pp.

Bệnh đục cơ (White muscle disease) còn được gọi là Bệnh trắng đuôi (White tail disease). Bệnh này gây thiệt hại nhiều về mặt kinh tế cho các trại giống và các nơi ương tôm càng xanh.

Bệnh đục cơ gây tỉ lệ chết cao ở tôm càng xanh giai đoạn hậu ấu trùng, dao động trong khoảng 30-100%. Tôm càng xanh sau khi chuyển sang giai đoạn hậu ấu trùng được 2-3 ngày có dấu hiệu bị đục cơ. Tỉ lệ chết bắt đầu xuất hiện và có khả năng gây chết đến 100% trong vòng 5 ngày kể từ khi phát hiện có tôm mang dấu hiệu đục cơ. Hậu ấu trùng nhiễm bệnh đục cơ có trạng thái lờ đờ, giảm ăn, và phần cơ bụng có màu trắng đục. Vùng đuôi (telson) bị đục trước và hiện tượng đục thân này tấn công dần lên phần đầu của tôm. Sau cùng, tất cả các vùng cơ thuộc phần bụng và phần đầu ngực đều bị tấn công. 
Macrobrachium rosenbergii Nodavirus (MrNV) và extra small virus (XSV) là hai loài virus được cho biết là có liên quan đến bệnh đục cơ trên tôm càng xanh. Cả hai loài virus này được phân lập từ tôm càng xanh có dấu hiệu bệnh đục cơ, tuy nhiên, khả năng gây bệnh của hai loài virus này thì vẫn còn trong quá trình nghiên cứu. 
Bệnh đục cơ do virus gây ra được báo cáo đã xuất hiện ở các khu vực Châu Á (Trung Quốc, Đài Loan và Ấn độ) và vùng Caribbean (Cộng hoà Dominican, French West Indies). Tổng hợp các báo cáo về bệnh đục cơ trên tôm càng xanh cho thấy, có sự giống nhau về dấu hiệu bệnh lý và tỉ lệ chết giữa các nơi có xảy ra dịch bệnh thuộc Trung Quốc, Đài Loan và Ấn độ. Qua đó cho thấy, bệnh đục thân trên tôm càng xanh lây nhiễm giữa các vùng này có thể là do nguồn tôm mang mầm bệnh. Tuy nhiên, kết luận này cần được nghiên cứu thêm.
Tôm càng xanh (Giant Freshwater prawn hay Malaysian prawn) được ghi nhận có sự cảm nhiễm nhóm virus này, phát hiện được ở các giai đoạn ấu trùng, hậu ấu trùng và ấu niên. Virus này có khả năng sống trong môi trường nước lợ và nước ngọt
Chọn lọc tôm càng xanh bố mẹ và giống với kỹ thuật RT-PCR là phương pháp phòng bệnh được khuyến cáo áp dụng hiện nay. Các cá thể mang mầm bệnh cần được xử lý triệt để. 

Lược dịch: Ths. Trần Thị Tuyết Hoa (This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.), Bộ môn Sinh học và Bệnh thuỷ sản, Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ.