Tóm tắt

Trong nuôi tôm cá thâm canh, zeolite được sử dụng nhằm mục đích làm giảm TAN (NH3 và NH4+), H2S trong môi trường. Tuy nhiên, hiệu quả của zeolite vẫn nhiều biến động ở các điều kiện sinh thái khác nhau. Vì vậy, nghiên cứu được thực hiện tại khoa Thủy sản từ tháng 4-10/2005, nhằm xác định khả năng hấp thu TAN, H2S của zeolite

Thí nghiệm về ảnh hưởng của nồng độ muối lên khả năng hấp thụ TAN và H2S của Zeolite được thực hiện trong phòng và ngoài trời, mỗi thí nghiệm gồm 6 nghiệm thức: 0, 5, 10, 15, 20 và 25%o. Thí nghiệm nhằm tìm ra liều lượng zeolite thích hợp để làm giảm TAN đến mức thích hợp cũng được bố trí với 5 nghiệm thức: 0, 10, 20, 30 và 40 mg/L. Cuối cùng, thí nghiệm xác định khoảng thời gian cần thiết xử lý zeolite cũng được bố trí gồm 5 nghiệm thức: 0, 5, 10, 15, 20 ngày/lần) trong điều kiện nồng độ muối và  hàm lượng zeolite cho hiệu quả hấp thụ TAN tốt nhất. Các thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 lần lặp lại.

Kết quả cho thấy zeolite có tác dụng hấp thu TAN tốt nhất trong môi trường nước ngọt, 1g zeolite có khả năng làm giảm 0,12 mg TAN. Độ mặn càng cao tác dụng hấp thụ TAN của zeolite càng giảm. Zeolite có tác dụng làm tăng  hàm lượng oxy hòa tan và giảm độ cứng sau khi xử lý. Sau 12 giờ, zeolite không còn khả năng hấp thụ TAN. Trong môi trường nước ngọt, xử lý zeolite định kỳ 5 ngày/lần với liều lượng 30 mg/L có thể duy trì hàm lượng TAN ở mức thích hợp cho tôm cá (nhỏ hơn 0,1 mg/L). Zeolite không có tác dụng hấp thụ H2S cho nên không nên dùng zeolite để làm giảm H2S trong ao nuôi tôm cá.

Nguồn: Luận văn cao học

Tác giả: Nguyễn Lê Hoàng Yến, Lớp Cao học Nuôi trồng Thủy Sản khoá 9, Trường Đại Học Cần Thơ.