Nguồn tin: Trần Ngọc Hải, Nguyễn Thanh Phương, Hồ Quốc Việt, Trần Minh Nhứt và Huỳnh Trường Giang, 2005. Nghiên cứu cơ sở môi trường nước cho nghề nuôi tôm sinh thái vùng rừng ngập mặn Cà Mau – Là đề tài nghiên cứu khoa học Cấp Bộ - Trường Ŀại học Cần Thơ, mã số đề tài: B-2003-31-69, 65 trang.
Tóm tắt:
Mô hình nuôi tôm kết hợp với rừng ngập mặn đã được hình thành và phát triển ở Cà Mau từ thập niên 80 nhằm bảo vệ và phát triển rừng vừa tạo kinh tế ổn định cho người sản xuất thông qua nuôi thủy sản. Mô hình này đã được Naturland (SIPPO) công nhận là nuôi mô hình nuôi tôm sinh thái ở Lâm Ngư Trường 184 Cà Mau từ năm 2001.
Nhằm góp phần phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái, nghiên cứu này đánh giá ảnh hưởng của lá cây rừng lên môi trường nước và lên tôm nuôi ở qui mô sản xuất ở Lâm Ngư Trường và qui mô thí nghiệm trên bể.
Kết quả nghiên cứu 12 vuông tôm-rừng cho thấy rằng, lượng lá rơi hàng tháng ở các mô hình tôm-rừng đước 5 tuổi, 10 tuổi, 15 tuổi và tôm-rừng hỗn hợp mắm giá lần lượt là 72, 89, 62 và 30 g lá khô/m2/tháng. Lá mắm và giá tích lũy trên trảng và mương đều thấp hơn so với lá đước các độ tuổi (P<0,05). Lượng lá tích lũy trên đáy mương thấp hơn so với trên trảng (P<0,05). Lượng lá tích lũy ở đầu mương thấp hơn so với giữa và cuối mương (P<0,05). Tương quan giữa lượng lá rơi với lá tích lũy trên trảng hay dưới mương đều rất thấp. Thời gian phân hủy ½ của lá mắm, giá, đước, và tràm bông vàng đặt ở mương và ở trảng lần lượt là 50 và 55 ngày, 62 và 91 ngày, 75 và 133 ngày; và 257 và 408 ngày.
Nghiên cứu chất lượng nước ở 18 vuông tôm-rừng (tôm-đước 5 tuổi, 10 tuổi, 15 tuổi, mắm-giá, dừa lá và vuông không có rừng) cho thấy các yếu tố thủy lý hóa sinh sai khác giữa các mô hình không lớn, nhưng biến động rất lớn theo mùa vụ. Loại và lượng lá rừng không ảnh hưởng lớn đến chất lượng nước do hoạt động quản lý vuông. Chất lượng nước ở cuối mương hơi xấu hơn đầu mương. Lá rừng tích lũy trên trảng không ngập nước nhưng phân hủy đổ xuống đồng loạt vào mùa mưa làm dơ nước là vấn đề cần được chú ý. Tuy nhiên, các yếu tố môi trường vẫn trong khoảng chấp nhận cho tôm nuôi. Năng suất tôm tự nhiên ở vuông có rừng sai khác không có ý nghĩa so với vuông không rừng. Vuông có dừa lá có năng suất tôm cao nhất. Tương quan giữa các yếu tố thủy lý hóa sinh với năng suất tôm không chặt chẽ, cho thấy có thể có các yếu tố khác chi phối lớn hơn đến năng suất tôm.
Nghiên cứu ảnh hưởng của các loại lá rừng (đước, mắm, giá và tràm), lượng lá rừng (0; 0,125; 0,25; 0,5; 1 và 2 g/L) lên chất lượng nước và tôm trong điều kiện nuôi trên bể có sục khí và không sục khí cho thấy, Tannin, COD, H2S tăng mạnh khi lượng lá tăng và cao nhất ở lá mắm và lá giá. Ở các nghiệm thức được sục khí, bể có lá rừng cho kết quả tỷ lệ sống và tăng trưởng của tôm tốt hơn bể không có lá, và lượng lá rừng 1g (khối lượng khô) / L cho kết quả tốt nhất. Mặc dù khác biệt không lớn, nhưng lá đước cho kết quả tương đối tốt hơn các loại lá khác. Ở các nghiệm thức không được sục khí, tôm chịu đựng đến lượng lá 0,25g/L, nhưng giảm tăng trưởng và tỷ lệ sống thấp, và tôm chết hoàn toàn khi lượng lá trên 0,5 g/L. Tuy nhiên lượng này khá cao so với thực tế ở vuông.
Nhìn chung, mô hình tôm-rừng có tiềm năng lớn và cần được phát triển, nhưng cũng cần một số cải tiến trong thiết kế và quản lý mô hình.