Nguồn: Trần Thị Thanh Hiền (Khoa Thủy sản - Đại học Cần Thơ), Lê Quốc Toán, Trần Thị Bé, Nguyễn Hoàng Đức Trung, David Bengtson 

Tóm tắt

Trong chế biến thức ăn thủy sản, bột cá được xem là nguồn protein tốt nhất. Tuy nhiên, sản lượng bột cá ngày càng khan hiếm, giá thành ngày càng tăng nên giá thành thức ăn cũng tăng cao, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người nuôi. Hiện nay có nhiều nghiên cứu về việc thay thế bột cá bằng các nguồn protein thực vật rẻ tiền so với bột cá.. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi sử dụng bột đậu nành hoặc kết hợp bột nành với các nguồn protein khác có thể thay thế bột cá dao động từ 30-75% khi làm thức ăn cho một số loài cá như cá đù (Nibea miichthioides), cá tráp mõm nhọn (Diplodus puntazzo), cá da trơn Nam Mỹ (Silurus meridionalis), cá chỉ vàng (Lutjanus argentimaculatus) và cá rô phi vằn giống (Oreochromis niloticus). Đối với cá lóc giống (Channa striata) khi thay thế protein bột cá bằng protein bột đậu nành trong công thức thức ăn thì khả năng thay thế đạt 30% (Trần Thị Thanh Hiền, 2008).

Nghiên cứu được tiến hành để xác định khả năng thay thế protein bột cá bởi protein bột đậu nành, có bổ sung enzym phytase làm thức ăn cho cá lóc bông. Nghiệm thức thức ăn đối chứng với nguồn cung cấp protein là bột cá, 4 nghiệm thức còn lại có mức protein bột cá được thay thế bởi protein bột đậu nành lần lượt là 20%, 30%, 40%, 50% và có bổ sung 0,02% phytase. Cá lóc bông giống chọn làm thí nghiệm có khối lượng từ 4-5g/con, được bố trí ngẫu nhiên trong 15 bể (100 lít/1bể), với mật độ 25 con/bể. Cá được cho ăn theo nhu cầu, 2 lần trên ngày. Sau 8 tuần thí nghiệm, thì cá nuôi ở các nghiệm thức không có sự khác biệt về tỷ lệ sống (từ 77,3% đến 80%). So với nghiệm thức đối chứng và các nghiệm thức có bột đậu nành thay thế ở mức 20%, 30%, 40% thì không có sự khác biệt về tăng trưởng của cá, hệ số thức ăn, hiệu quả sử dụng protein. Còn nghiệm thức 50% bột đậu nành thay thế bột cá thì có khác biệt khi so sánh về các chỉ tiêu trên, trừ hệ số thức ăn. Kết quả cũng cho thấy rằng không có sự khác biệt về thành phần protein trong cơ thể cá ở các thí nghiệm khi tăng mức bột đậu nành. Về mặt kinh tế, ở mức thay thế 40% bột đậu nành cho bột cá làm thức ăn cho cá lóc bông thì giảm chi phí thức ăn/1kg và chi phí thức ăn/1kg cá tăng trọng lần lượt là 10.8% và 4.83%.

(Kết quả nghiên cứu được hỗ trợ từ dự án AquaFishCRSP-TrashFish)