Nguồn tin:Ngô Thị Thu Thảo, Huỳnh Hàn Châu và Trần Ngọc Hải
Bộ môn KTN Hải sản, khoa Thủy sản, trường Đại học Cần Thơ.
Tóm tắt:
Dự án này nhận được tài trợ của chương trình SEARCA (Phillipines) trong năm 2008. Mục tiêu của dự án là đánh giá ảnh hưởng của việc tăng mật độ nuôi kết hợp ốc len - sò huyết đối với sinh trưởng, năng suất của các đối tượng nuôi và hiệu quả kinh tế của mô hình.
Việc nuôi thử nghiệm được thực hiện tại vùng rừng ngập mặn huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau trong thời gian 6 tháng. Có 3 nghiệm thức thử nghiệm với các mật độ ốc len thả nuôi khác nhau là 10, 20 và 30 con/m2 trên mặt trảng và sò huyết được thả trong mương dẫn với cùng một mật độ là 10con/m2. Tổng cộng 9 khu nuôi được sử dụng cho việc thực hiện thí nghiệm. Kết quả cho thấy, tỷ lệ sống của ốc len đạt cao nhất (83,2%) ở mật độ 10 con/m2, tuy nhiên năng suất đạt cao nhất ở mật độ 20con/m2 (1300kg/ha/vụ). Cũng ở nghiệm thức này, sò huyết có tỷ lệ sống đạt 32,0%, năng suất 355kg/ha/vụ và đều cao hơn rõ ràng các nghiệm thức khác (P<0,05). Mật độ nuôi ốc len 20con /m2 cũng cho lợi nhuận cao nhất (~22.054.000 đồng/ha/vụ). Từ kết quả của dự án cho thấy việc nuôi kết hợp ốc len (20 con/m2) trên trảng rừng và sò huyết (10con/m2) dưới mương dẫn có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và đa dạng hóa các đối tượng nuôi.