Nguồn tin: Ngô Thị Thu Thảo và Huỳnh Hàn Châu. Bộ môn KTN Hải sản, Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ.

Tóm tắt:

Thí nghiệm được tiến hành trong 4 tháng tại khoa Thủy sản, trường Đại học Cần Thơ nhằm đánh giá ảnh hưởng của các độ mặn khác nhau đến sinh trưởng, tỷ lệ sống và thành phần sinh hóa của ốc len (Cerithidea obtusa). 

Sáu nghiệm thức độ mặn khác nhau (5, 10, 15, 20, 25 và 30‰ được bố trí và mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Ốc len giống có (20 ≤L≤ 25mm) và ốc len tiền trưởng thành (30≤L ≤ 35mm) được thả vào bể nuôi có diện tích khỏang 1,0 m2 với số lượng mỗi loại là 20 con/bể. Hỗn hợp thức ăn gồm cám gạo và bột cá được sử dụng làm thức ăn cho ốc len trong suốt quá trình thí nghiệm với khẩu phần hàng ngày biến động từ 3-5% khối lượng ốc nuôi. Kết quả cho thấy độ mặn không ảnh hưởng rõ ràng đến tỷ lệ sống của ốc giống và ốc tiền trưởng thành (P>0,05). Tuy nhiên, khoảng độ mặn có tỷ lệ sống cao (98%) đối với ốc len giống là 20-25‰ trong khi đó 95% ốc tiền trưởng thành sống sót ở 15-20‰ sau 120 ngày nuôi. Ốc len C. obtusa thể hiện sinh trưởng tốt nhất ở độ mặn cho tỷ lệ sống cao nhất mặc dù các giá trị không khác biệt khi thực hiện phân tích thống kê (P>0,05). Hàm lượng chất đạm, chất béo và bột đường trong thịt ốc len nuôi ở các độ mặn khác nhau không có sự khác biệt. Kết quả nghiên cứu cho thấy ốc len có thể sống và sinh trưởng ở độ mặn thấp (5-10‰) trong thời gian kéo dài, tuy nhiên khoảng độ mặn 20-25‰ là thích hợp nhất cho sinh trưởng của loài ốc này.