Nguồn tin: E. Marinho-Soriano E., C. Morales and W.S.C. Moreira. Cultivation of Gracilaria (Rhodophyta) in shrimp pond effeluents in Brazil. Aquaculture Research, 2002 (33): 1081-1086.
Tóm tắt
Hoạt động nuôi tôm biển thâm canh tạo ra một lượng lớn chất thải, phần lớn là nitơ và phospho được thải ra mà không qua xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường nước. Nghiên cứu sử dụng hai chất này làm nguồn dinh dưỡng để trồng rong biển và đồng thời làm giảm chất thải trong môi trường nước là biện pháp có thể thực hiện được, do rong biển được xem là loài thực vật biển có khả năng hấp thu chất thải động vật một cách có hiệu quả. Rong câu Gracilaria sp được chọn trong thí nghiệm này vì tính sẵn có và tiềm năng kinh tế của chúng, Mục tiêu của nghiên cứu nhằm bước đầu đánh giá sản lượng và tốc độ tăng trưởng của rong được trồng trong ao nước thải của tôm.
Nghiên cứu đã được thực hiện từ tháng 12/2000-04/2001 ở bang Rio Grande do Norte (Brazil). Diện tích khu nuôi tôm là 40 ha, nền đáy là đất sét pha cát, mức nước 1,0-1,5 m. Mật độ tôm nuôi 25 con/m2, năng suất trung bình 4000kg/ha/năm. Lượng thức ăn (10-3%) trọng lượng thân/ngày và giảm theo sự tăng kích cỡ của tôm. Các thông số thủy lý-hóa của nước (nhiệt độ, độ mặn, pH, oxy hòa tan và độ trong) được theo dõi. Rong câu được trồng ở kênh thoát nước chứa nước thải tôm, sâu 1,5 m và rộng 8,0 m. Phân urê, monoammonium phosphate and calcium nitrat được sử dụng, bón phân lần đầu trong thời gian bơm đầy nước ao. Sau đó phân được bón thêm dựa theo màu nước và độ trong của ao.
Rong câu Gracilaria được trồng trong 6 bè, mỗi bè gồm một khung 1,0x1,0 m làm bằng ống PVC và dây thừng (5mm). Các bè rong câu được đặt trong ao nước thải, ba bè được bố trí thẳng hàng ở giữa ao, các bè khác được đặt gần nơi tháo nước thải. Chúng được treo lơ lửng dưới mặt nước 0,3m có gắn phao nổi, dây neo ở đáy có dây thừng buộc vào khối đá. Dây thừng được buộc qua khung và tản rong câu được chèn vào giữa dây.
Rong câu được thu hoạch mỗi 15 ngày, rửa sạch, cân trọng lượng và đặt lại vào bè sau khi điều chỉnh lại trọng lượng rong ban đần (810 g). Do hàm lượng phù sa trong nước cao, mỗi 2 ngày di chuyển các bè rong qua lại nhẹ nhàng để tránh phù sa bám trên thân rong câu.
Trong suốt thời gian nghiên cứu, nhiệt độ nước ở khu nước thải, nơi trồng rong câu dao động 28-32oC, độ mặn: 30-43‰. Hàm lượng oxy hòa tan: 4,1-6,8 mg/L, độ trong trung bình 37 cm và pH biến động khá lớn trung bình là 7,9 ±. 0,31. Biến động hàm lượng các chất dinh dưỡng bị ảnh hưởng nhiều bởi chu kỳ bón phân. NH4 dao động 0,4-20 mg/L, NO3: 2,97-8,0 mg/L, PO4: 0,1-0,8 mg/L.
Sau 5 tháng thí nghiệm năng suất rong biến động rất lớn theo thời gian, đạt tối đa 2540 g/m2 và tối thiểu 380 g/m2, trung bình là 1418 ± 708 g/m2. Năng suất rong câu đạt cao nhất trong 15 ngày đầu, và đôi khi đạt đến 190% so với khối lượng giống ban đầu. Theo kết quả này, sản lượng rong câu có thể đạt được 23,93 tấn/ha/năm (trọng lượng khô). Qua phân tích ANOVA cho thấy tốc độ tăng trưởng tương đối (RGR) của rong câu khác nhau có ý nghĩa (P<0.05), RGR dao động từ 8,8% đến 1,8%/ngày. Sự biến động hàm lượng các chất dinh dưỡng chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi chu kỳ bón phân trong ao, NH4 là chất dinh dưỡng có hàm lượng cao nhất và biến động từ 0,4 -20 mg/L. Không có sự tương quan giữa RGR và các thông số môi trường trong suốt thời gian nghiên cứu (P>0.05). Dựa theo kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng rong câu Gracilaria sp. có thể trồng được trong ao nước thải của tôm. Tuy nhiên, cần tiến hành nghiên cứu trên phạm vi rộng hơn và thời gian lâu hơn để xác định tính khả thi của việc nuôi rong thương phẩm từ nguồn nước thải của các trại tôm.
Người dịch: Ths. Nguyễn Thị Ngọc Anh (This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.), Bộ môn KTN Hải sản, Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ