Nguồn tin: Chopin, T., A.H. Buschmmann, C. Halling, M. Troell, N. Kautsky, M. Neori, G.P. Kraemer, J.A. Z. Gonzaler, C. Yarish, and C. Neefus (2001). Integrating Seaweed into Marine Aquaculture Systems: A Key Toward Sustainability. Journal of Phycology, 37, 975-986.
Sự phát triển nhanh chóng của nghề nuôi thủy sản thâm canh (tôm, cá) trên thế giới làm nảy sinh nhiều vấn đề trở ngại, tác động xấu đến môi trường do việc nuôi đơn loài, đặc biệt là ở vùng nuôi tập trung cao độ hay vùng nuôi không thích hợp, quá tải. Những trở ngại môi trường chủ yếu là do nguồn dinh dưỡng và chất thải đổ ra vùng ven biển từ các hệ thống nuôi hở hay nuôi nội địa.
Trong xu hướng tiến tới quản lý nuôi thủy sản tốt nhất (BMP), nghề nuôi thủy sản vừa phải xây dựng những biện pháp thực hành tiên tiến và có trách nhiệm để tối ưu hoá hiệu quả và đa dạng hoá nghề nuôi, nhưng vừa phải cải thiện được các tác động xấu của hoạt động thâm canh này, đảm bảo môi trường lành mạnh. Để tránh làm xáo động các diễn thế tự nhiên vùng ven biển, bảo tồn là giải pháp thông thường lâu nay ở các nước Châu Á. Việc kết hợp nuôi các loài thủy sản có cho ăn (tôm, cá) với nuôi các loài thủy sản hấp thụ dinh dưỡng hữu cơ và vô cơ (rong biển, động vật hai vỏ), chất thải của đối tượng này sẽ làm nguồn thức ăn, dinh dưỡng cho đối tượng khác. Cách tiếp cận hệ sinh thái cân bằng như thế sẽ giúp tái sử dụng dinh dưỡng, có lợi chung cho các đối tượng nuôi trồng, đa dạng hoá nguồn thu nhập từ nhiều đối tượng nuôi kết hợp và nâng cao lợi nhuận chung trên một đơn vị sản xuất. Hiện nay, một số nước đang có chủ trương và hướng dẫn sử dụng các loài rong biển thích hợp làm nguồn hấp thu và tái tạo dinh dưỡng theo hướng sinh học như một phương cách sử dung hiệu quả chi phí sản xuất, giảm thiểu chi phí môi trường toàn cầu. Với phương pháp nuôi kết hợp đa loài, nghề nuôi thủy sản làm tăng khả năng chấp nhận về kinh tế, xã hội và môi trường, tạo nên một cấu thành bền vững và đầy đủ trong khuôn khổ phát triển chương trình quản lý tổng hợp vùng ven biển.
Người dịch: Ts. Trần Ngọc Hải, BM Hải sản, Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ