Nguồn tin: Philippe D., G. Rombaut, G. Suantika, P. Sorgeloos (2001). Advancement of rotifer culture and manipulation techniques in Europe. Aquaculture, 129-146
Tóm tắt:
Do thức ăn chế biến cho các giai đoạn đầu của ấu trùng cá biển vẫn chưa được phát triển, do đó trong các trại sản xuất giống nước lợ, mặn vẫn duy trì việc sử dụng các thức ăn sống là chủ yếu.
Tuy nhiên, trong luân trùng nuôi, hàm lượng eicosapentaenoic acid (EPA: 20:5n-3) và docosahexaenoic acid (DHA: 22:6n-3) tương đối thấp nên cần phải giàu hoá nguồn thức ăn sống này bằng các dung dịch dầu có nguồn gốc từ động vật biển. Việc sử dụng các dung dịch dầu làm giàu hoá luân trùng trong thời gian ngắn có thể làm tăng EPA và DHA. Tuy nhiên, hàm lượng này có khuynh hướng giảm nhanh trong hệ thống tiêu hoá gây ra sự mất cân bằng giữa tỉ lệ protein/lipid. Thay vì làm giàu hoá luân trùng bằng các dung dịch dầu, người ta thường sử dụng các thức ăn đặc chế khi muốn giảm hàm lượng dinh dưỡng trong môi trường nuôi. Việc sử dụng các thức ăn đặc chế này góp phần không những làm giàu dinh dưỡng trong hệ thống tiêu hoá của luân trùng mà còn góp phần giúp cho thành phần dinh dưỡng trong cơ thể luân trùng ổn định, điều này đặc biệt quan trọng trong trường hợp luân trùng không được các ấu trùng sử dụng ngay khi cho ăn.
Các kỹ thuật nuôi luân trùng mới như hệ thống tuần hoàn khép kín có khả năng cung cấp luân trùng có chất lượng cao, liên tục ở mật độ cao hơn gấp 10 lần so với hệ thống nuôi theo mẽ. Năng suất trong hệ thống tăng cao được giải thích là do chất lượng nước tốt nhờ ứng dụng hệ thống tách đạm, xử lý ozone và lọc sinh học. Mặc dù việc việc loại bỏ vi khuẩn ra khỏi luân trùng vẫn còn hạn chế nhưng qua quan sát cho thấy quần thể luân trùng được nuôi ở mật độ cao thì không làm gia tăng thêm sự hiện diện của vi khuẩn. Ứng dụng hệ thống nuôi tuần hoàn hoặc bằng cách quản lý vi sinh (sử dụng probionts) giúp cho việc sản xuất luân trùng ổn định và hạn chế được trở ngại do tỉ lệ chết cao không giải thích được trong hệ thống nuôi theo mẻ.
Người dịch: Trần Sương Ngọc- Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ