Nguồn tin: Trần Đắc Định, Hà Phước Hùng, Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Trọng Hồ, Mai Viết Văn, Mai Viết Thi và Nguyễn Thanh Toàn (Tạp chí khoa học Đại học Cần Thơ 2004, chuyên đề thủy sản) Biến động quần thể một số loài cá kinh tế trong khu bảo tồn thiên nhiên U Minh thượng. Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu 


Tóm tắt:

Khu bảo thiên nhiên U Minh Thượng được thành lập năm 1992 tại tỉnh Kiên Giang, đây là khu hệ đất ngập nước được bao bọc bởi hệ thống đê bao và kênh đào. Nguồn lợi thủy sản ở đây có vai trò rất quan trọng so với các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, đó là nguồn cung cấp đạm và thu nhập cho cộng đồng dân cư trong khu vực. Vì vậy nghiên cứu sự biến động quần thể các loài cá trong khu bảo tồn để sử dụng hợp lý nguồn lợi thuỷ sản này là rất cần thiết.

Kết quả nghiên cứu cho thấy 9 loài cá có giá trị kinh tế được khai thác trong khu bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng là Cá Lóc, Dầy, Sặc Rằn, Rô đồng, Trê Vàng, Trê Trắng, Thát Lát, Sặc Bướm và Sặc điệp. Sự biến đổi của hệ số thành thục (GSI) cho thấy Cá Lóc, Sặc Rằn và Trê Vàng sinh sản tập trung từ tháng năm đến tháng bảy; Cá Dầy có mùa vụ sinh sản sớm hơn từ tháng ba đến tháng năm; trong khi cá Rô đồng từ tháng sáu đến tháng tám. Chiều dài tối đa mà cá có thể đạt được (Loo) và hệ số tăng trưởng (K) của phương trình tăng trưởng von Bertalanffy được xác định bằng chương trình FiSAT. Tỷ lệ chết tổng cộng (Z) của cá được xác định bằng phương pháp phân tích đường cong sản lượng chuyển đổi từ số liệu tần suất chiều dài; chiều dài khai thác đầu tiên (Lc) cũng được xác định từ đường cong sản lượng-chuyển đổi. Tỷ lệ chết tự nhiên (M) được xác định theo công thức của Pauly. Từ các kết quả xác định Z và M, tỉ lệ chết do khai thác (F) và hệ số khai thác (E) cũng được xác định. Kết quả phân tích lượng bổ sung cho thấy rằng các loài cá bổ sung vào quần đàn đang khai thác mỗi năm 2 lần; số lượng cá thể bổ sung trong lần đầu tiên (90.4%) lớn hơn rất nhiều so với lần sau đó (9.6%) và thời gian giữa hai lần bổ sung khoảng 4 tháng. Kết quả nghiên cứu sản lượng trên lượng bổ sung (Y/B) cho thấy rằng sản lượng khai thác của các loài cá trong khu bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng chưa đến mức sản lượng khai thác bền vững tối đa (MSY). Tuy nhiên, kết quả cho thấy chiều dài khai thác đầu tiên (Lc) của các loài cá đều nhỏ hơn so với chiều dài thành thục đầu tiên (Lm) của chúng. 

Như vậy, mức độ khai thác cá nói chung chưa vượt giới hạn khai thác bền vững tối đa (Emax), tuy nhiên việc khai thác là quá mức về mặt tăng trưởng. Nghĩa là nhiều cá bị khai thác khi chúng chưa đạt đến giai đoạn hoàn toàn thành thục. Điều này phụ thuộc vào xác suất khai thác thông qua tính chọn lọc của ngư cụ, trong đó thông số quan trọng nhất là kích thước mắt lưới. Ngoài mục tiêu là sử dụng nguồn lợi ở mức bền vững tối đa, ta thấy rằng các loài cá đồng trong khu bảo tồn U Minh Thượng còn là nguồn dự trữ nhằm bổ sung cá con cho các khu vực xung quanh, ngoài ra còn là nơi duy trì nguồn cá bố mẹ cho các khu vực xung quanh. Vì vậy các thông số của ngư cụ, kỹ thuật khai thác và phương pháp quản lý được xem xét để khai thác bền vững các loài cá kinh tế đó.